Luật Việt cho người gốc Việt

Luật

Vietnamese

Luật Việt cho người gốc Việt

Luật

Vietnamese

Việt kiều xin nhập lại quốc tịch Việt Nam, cần làm gì?

Tôi là Việt kiều Đức, 75 tuổi, đã về hưu. Cách đây hơn 8 năm, tôi có mua một căn nhà tại Đà Nẵng đứng tên tôi.

Trước đây tôi xin thôi quốc tịch Việt Nam vì Chính phủ Đức bắt buộc, còn bây giờ từ đầu tháng 7-2024, Chính phủ Đức đã chấp nhận cho 2 quốc tịch.

Nay tôi muốn về sống lâu dài nên muốn xin lại quốc tịch Việt Nam và vẫn giữ quốc tịch Đức vì lương hưu còn nhận tại Đức. Xin hỏi tôi cần làm gì để có quốc tịch Việt Nam?

Theo quy định của pháp luật, một người đã mất quốc tịch Việt Nam thì có thể xin trở lại quốc tịch Việt Nam nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

– Xin hồi hương về Việt Nam.

– Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam.

– Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

– Thực hiện đầu tư tại Việt Nam.

– Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài.

Nay chú muốn về Việt Nam để sống lâu dài nên sẽ thuộc trường hợp “xin hồi hương về Việt Nam”.

Nếu chú muốn xin trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài thì phải đáp ứng được các điều kiện đặc biệt để trình Chủ tịch nước xem xét việc cho trở lại quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch Đức, quy định cụ thể tại điều 14 nghị định 16/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 như sau:

1. Có đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.

2. Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài khi trở lại quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.

3. Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước có quốc tịch bị ảnh hưởng.

4. Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Như vậy, chú chuẩn bị và nộp hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam tại Sở Tư pháp nơi cư trú. Hồ sơ gồm có:

– Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam.

– Bản sao giấy khai sinh, hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế.

– Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam. Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ.

– Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam (là một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh đã được Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch hoặc bị tước quốc tịch Việt Nam; Giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp, xác nhận, trong đó có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam trước đây của người đó).

– Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam.

Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài phải có giấy tờ chứng minh:

– Đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.

– Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp để chứng minh: Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi trở lại quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó. Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước có quốc tịch bị ảnh hưởng.

– Bản cam kết của người đó về nội dung: Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Lưu ý: Giấy tờ có trong hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Scroll to Top
logo-luatvietnamese240424