Luật Việt cho người gốc Việt

Luật

Vietnamese

Luật Việt cho người gốc Việt

Luật

Vietnamese

Sống ở nước ngoài hơn 20 năm, làm căn cước Việt Nam được không?

Tôi sống ở nước ngoài hơn 20 năm. Tôi vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Vậy giờ tôi có thể làm căn cước công dân được không?

Điều kiện cấp căn cước cho công dân Việt Nam:

Người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam và được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo đảm các quyền công dân nhưng phải làm tròn các nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước và xã hội theo quy định của pháp luật. Nhà nước có chính sách để công dân Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện hưởng các quyền công dân và làm các nghĩa vụ công dân phù hợp với hoàn cảnh sống xa đất nước.

Quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài đang định cư ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan (theo quy định tại điều 5 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008).

Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam; công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước; công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, không có nơi cư trú tại Việt Nam thì thông tin về nơi cư trú trên thẻ căn cước thể hiện là địa chỉ cư trú ở nước ngoài (ghi rõ phiên âm bằng tiếng Việt). Theo quy định tại điều 19 Luật Căn cước năm 2023 và khoản 4 điều 4 Thông tư 17/2024/TT-BCA.

Như vậy, với quy định pháp luật hiện hành thì mọi công dân Việt Nam đều được cấp căn cước, không phân biệt là người đó sinh sống trong nước Việt Nam hay định cư ở nước ngoài.

Một điểm mới nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho bà con Việt Nam định cư ở nước ngoài được cấp căn cước là:

– Cấp căn cước cho cả công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài không có nơi cư trú tại Việt Nam;

– Người có gốc Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch có thời gian sinh sống ở Việt Nam liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện thì cũng được cấp thẻ căn cước.

Theo thông tin anh cho biết là anh vẫn còn quốc tịch Việt Nam nên anh vẫn là công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nên được Nhà nước đảm bảo các quyền công dân như tất cả những công dân Việt Nam khác, trong đó có quyền được cấp thẻ căn cước.

Như vậy, anh cần chuẩn bị các giấy tờ liên quan thể hiện anh là công dân Việt Nam như: giấy khai sinh, hộ chiếu Việt Nam, quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam… để làm thủ tục cấp căn cước tại cửa khẩu cảng hàng không quốc tế ở Việt Nam theo quy định.

Nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước:

Cơ quan quản lý căn cước của công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân cư trú sẽ có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và làm thủ tục cấp thẻ căn cước.

Đối với những trường hợp do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an quyết định thì sẽ do cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ và làm thủ tục.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý căn cước các cấp sẽ phối hợp tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân (theo quy định tại điều 27 Luật Căn cước năm 2023).

Triển khai thực hiện Luật Căn cước, tại một số cửa khẩu cảng hàng không quốc tế ở Việt Nam thì công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã kết hợp với công an huyện nơi có cảng hàng không quốc tế để tiếp nhận hồ sơ và cấp căn cước cho công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước.